Xã, phường mới ở TP Hải Phòng không chỉ rộng lớn hơn mà còn tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ có trình độ hợp lực, vận hành bộ máy hiệu quả hơn.
Mở rộng không gian phát triển
Phường Nguyễn Trãi (TP Hải Phòng) được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám và phường Bến Tắm (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũ). Phường Nguyễn Trãi có diện tích 76,28 km2.Đây là phường có diện tích lớn nhất trong 64 xã, phường sau sắp xếp ở Tây Hải Phòng. Việc sáp nhập đã mở ra không gian, cơ hội mới cho địa phương này trong đầu tư phát triển kinh tế theo hướng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.
Thực tế, khu vực này vốn là vùng có thế mạnh về nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Việc sáp nhập sẽ giúp xóa bỏ sự manh mún về địa giới hành chính, mở rộng không gian liên kết vùng. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương triển khai các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mang tính tổng thể, lâu dài.
Ngay sau sáp nhập, định hướng phát triển của phường được xác lập rõ ràng hơn: xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất dưới tán rừng kết hợp bảo vệ môi trường và cảnh quan tự nhiên. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ hơn, từng bước hình thành đô thị xanh, mật độ thấp phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững.
Tương tự, xã Việt Khê (thuộc huyện Thủy Nguyên cũ) cũng được tái cấu trúc trên cơ sở sáp nhập xã Ninh Sơn và xã Liên Xuân. Với diện tích gần 31 km² và dân số hơn 37.000 người, Việt Khê đang phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như dãy núi đá vôi, Tuyệt Tình Cốc, các di tích lịch sử cấp thành phố như hang Đốc Tít, Linh Sơn tự. Đây cũng là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao như na bở, mật ong, chuối Tết và dưa chuột.
Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, trước đây, do ranh giới hành chính phân tán và phân cấp quản lý phức tạp, các dự án đầu tư hạ tầng thường bị trì hoãn. Việc sáp nhập không chỉ đơn giản là gom lại về mặt địa lý mà còn tạo điều kiện kết nối hạ tầng liên xã, từ đó hình thành các cụm dân cư mới, mở ra không gian phát triển kinh tế ven hồ, du lịch sinh thái và dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng bản địa.
Hợp sức
Sau sáp nhập, chất lượng nguồn nhân lực của các xã, phường cũng được nâng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Xã Phú Thái hiện có 86 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, 60 người là cán bộ của các xã, thị trấn cũ, còn lại là cán bộ huyện Kim Thành cũ. 100% số cán bộ, công chức có trình độ đại học trở lên. Nhiều người từng đảm nhận vị trí quản lý tại các phòng, ban cấp huyện hoặc từng giữ các chức danh chủ chốt tại các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thông, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thái nhận định việc sáp nhập là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để đội ngũ cán bộ thể hiện khả năng chuyên môn, năng lực điều hành trong bối cảnh mới. Khi cấp huyện không còn, trách nhiệm của cấp xã càng cao. Tuy nhiên, nhờ có lực lượng cán bộ dày dạn kinh nghiệm từ các cấp trước đây, địa phương có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như quản lý đất đai, ngân sách, đầu tư công, y tế, giáo dục, an sinh xã hội...
Một ví dụ khác là phường Lê Chân – đơn vị hành chính mới sau sáp nhập. Ngay khi thành lập, cấp ủy, chính quyền phường đã chủ động kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm công tác tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính không bị gián đoạn. Đặc biệt, phường Lê Chân sở hữu đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, nhiều người từng công tác tại các cơ quan, đơn vị chuyên môn của quận, nay trở thành lực lượng nòng cốt để hỗ trợ triển khai công việc ở cấp cơ sở.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Lê Chân cho biết là phường đông dân nhất thành phố, địa phương xác định việc sáp nhập không chỉ là thay đổi về địa giới mà còn tái cấu trúc về nhân lực. Với đội ngũ cán bộ hiện có, phường hoàn toàn có khả năng tiếp nhận khối lượng công việc lớn và phục vụ nhân dân tốt hơn. Sự hỗ trợ, chia sẻ giữa các bộ phận chuyên môn giúp cải thiện rõ rệt hiệu quả công vụ.
Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức và phát huy nguồn lực cán bộ, điều quan trọng không kém là thay đổi tư duy làm việc, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, lấy người dân làm trung tâm.
Ở nhiều xã, phường sau sáp nhập, cấp ủy, chính quyền đã chú trọng tăng cường đối thoại với nhân dân, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ để nâng cao năng lực hành chính. Các nội dung trọng tâm như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao hiệu quả tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân được đẩy mạnh.
Việc xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, dân chủ, minh bạch giúp giảm thiểu tâm lý e dè, phân biệt “cũ – mới” giữa cán bộ các đơn vị sáp nhập. Thay vào đó là sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Từ thực tiễn ở các xã, phường sau sáp nhập cho thấy, nếu việc hợp nhất địa giới hành chính được triển khai đồng bộ với hợp lực cán bộ, kiện toàn bộ máy thì sẽ tạo ra “đòn bẩy” mạnh mẽ cho phát triển địa phương. Việc này không chỉ giúp tinh gọn tổ chức, tiết kiệm ngân sách mà còn tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phát huy năng lực, đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thời gian tới, việc tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả sau sắp xếp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập, đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là yêu cầu cấp thiết. Qua đó từng bước xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
VY HOA