Góc nhìn

Học hè hay nghỉ hè – lựa chọn không dễ của phụ huynh

THANH HOA 16/07/2025 13:57

Nhiều phụ huynh vẫn đang lúng túng với câu hỏi nên cho con học hè để tránh bị rơi rụng kiến thức hay cho con chơi 'thả ga'?

hoc-them-he(1).jpg
Không cho con học hè thì lo con rơi rụng kiến thức, để con học hè lại thương con không có kỳ nghỉ trọn vẹn...

Ngay từ cuối tháng 6/2025, nhóm phụ huynh lớp con tôi đã bắt đầu bàn luận sôi nổi về việc đề nghị cô giáo chủ nhiệm mở lớp ôn tập hè. Hầu hết đều đồng tình. Nhiều người cho biết, con ở nhà cả ngày chỉ quanh quẩn với tivi, ipad nên việc đi học sẽ giúp các cháu duy trì nền nếp và tránh rơi rụng kiến thức.

Một số phụ huynh khác đã cho con học tiếng Anh từ đầu hè, nay lại muốn con tiếp tục ôn tập các môn văn hóa để “lấy lại phong độ” trước năm học mới. Có người không giấu được nỗi lo: “Hè mà không cho đi học, các cháu sẽ quên sạch kiến thức!”. Cũng có người nói thật: “Nếu để con ở nhà, tôi không thể tập trung làm việc. Vừa lo con chơi điện thoại nhiều, vừa sợ ra đường gặp nguy hiểm”.

Tôi cũng chung mối lo với các vị phụ huynh này. Một mặt, tôi muốn con có một mùa hè đúng nghĩa được nghỉ ngơi, được chạy nhảy, vui chơi, khám phá những điều mới lạ bên ngoài trang sách. Nhưng mặt khác, tôi lo con sẽ quên kiến thức và quan trọng hơn là không có môi trường vận động, giao tiếp lành mạnh nếu chỉ ở trong nhà suốt ngày. Bản thân tôi cũng không thể dành trọn thời gian để chơi cùng con, nên việc gửi con đi học hè trở thành một giải pháp an toàn, dù trong lòng vẫn thấy áy náy.

Xã hội hiện đại mang đến nhiều lựa chọn hơn cho trẻ trong mùa hè. Các trung tâm bán trú hè tích hợp tiếng Anh, kỹ năng sống, nghệ thuật, thể thao... đang được mở ra ngày một nhiều. Mô hình học mà chơi, chơi mà học được quảng bá hấp dẫn và được không ít phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, mức học phí khá cao khiến không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện theo đuổi. Vì vậy, lựa chọn phổ biến và “truyền thống” vẫn là các lớp học thêm văn hóa do giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên quen tổ chức.

Trong khi đó, theo các chuyên gia giáo dục và tâm lý, trẻ em thực sự cần được nghỉ ngơi sau một năm học đầy áp lực. Bộ não của trẻ cần có khoảng thời gian để “giải nén”, tái tạo năng lượng, từ đó phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, nếu để trẻ “thả ga” cả hè với các thiết bị điện tử, ngủ nướng, thức khuya, ăn uống thất thường... thì kỳ nghỉ cũng trở nên vô nghĩa, thậm chí gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để trẻ vừa được nghỉ ngơi, vừa không bị tụt hậu, vừa phát triển thể chất, vừa duy trì tinh thần học tập tích cực?

Các chuyên gia giáo dục khuyến nghị rằng, cách học hè hiệu quả không phải là tiếp tục “nhồi nhét” kiến thức như trong năm học, mà nên tạo ra không gian học tập nhẹ nhàng, mang tính chủ động. Trẻ nên được quyền lựa chọn môn học hoặc nội dung mình yêu thích. Phụ huynh và giáo viên đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, thay vì giám sát và áp đặt. Có thể khuyến khích trẻ ôn tập lại những phần đã học nhưng theo cách mới mẻ, sáng tạo hơn, hoặc làm quen trước với kiến thức năm học mới theo hình thức khám phá. Cũng có thể kết hợp với các hoạt động ngoại khóa như đọc sách, viết nhật ký, học một kỹ năng mềm hay làm các thí nghiệm đơn giản.

Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm, học thêm đã góp phần hạn chế tình trạng học thêm tràn lan. Nhưng thực tế, nếu “bệnh thành tích” vẫn đè nặng trong suy nghĩ của phụ huynh và giáo viên thì các mô hình học hè biến tướng vẫn sẽ tồn tại. Trẻ em vẫn bị cuốn vào guồng quay học tập liên tục, không có được một kỳ nghỉ đúng nghĩa và phụ huynh vẫn tiếp tục loay hoay với câu hỏi: nên hay không nên cho con học hè?

Một mùa hè ý nghĩa không chỉ là học hay chơi, mà là sự cân bằng giữa cả hai. Làm được điều đó đòi hỏi phụ huynh phải thực sự hiểu con, có kế hoạch phù hợp và đặc biệt là dũng cảm buông bỏ những lo lắng không cần thiết để trẻ được sống đúng với tuổi thơ của mình.

THANH HOA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học hè hay nghỉ hè – lựa chọn không dễ của phụ huynh