Người quê tôi gọi gạo là 'hạt ngọc trời'. Nhiều người bảo đó chỉ là cách ví von, nhưng thật ra với những người gắn bó cả đời mình với ruộng đồng thì sự so sánh ấy không hề quá.
Tôi gần như thuộc làu bài thơ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đọc bài thơ ấy có lẽ chúng ta sẽ biết vì sao hạt gạo lại được ví như "hạt ngọc" của trời. Hạt gạo làng quê của nhà thơ Trần Đăng Khoa được chắt chiu vị ngọt phù sa của sông Kinh Thầy, hương sen thơm ngan ngát trong hồ nước đầy, có vị mặn chát mồ hôi của mẹ, của nhà nông mỗi mùa cấy lúa tháng 6, nước nóng như ai nấu... Có sự vượt khó, chiến thắng bão giông của từng cây lúa qua các trận bão tháng 7 và tháng 8. Hạt gạo ấy còn có mùi thơm của hương ổi, hương thị khi bà ủ những loại quả tuổi thơ ấy trong chum gạo thơm lừng.
Tôi đã lớn lên nhờ vào hạt gạo làng quê. Hạt gạo ấy nuôi tôi lớn khôn nhờ sự tảo tần, một nắng hai sương, thức khuya, dậy sớm của mẹ; giọt mồ hôi của cha trên mỗi luống cày và là tinh túy của đồng đất quê hương.
Còn nhớ, mỗi vụ gặt, thóc được phơi khô đủ độ được mẹ cất một ít vào hòm gỗ lớn giữa nhà. Còn lại mẹ dành một ít thóc mới đem đi xay xát hoặc mang ra cối ngoài vườn giã từng nắm một để biến từng hạt thóc vàng ruộm thành gạo. Mỗi lần nhà xay, giã gạo, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng háo hức vì được mót những hạt rơi vãi ở ngoài len lén buổi tối rang ăn với nhau.
Hạt gạo khi ấy quý lắm. Mỗi bữa cơm trắng là một niềm vui. Có khi chỉ ăn cơm với muối vừng mà vẫn thấy ngon như ăn tiệc. Vì cơm được nấu bằng gạo mới từ ruộng nhà, bằng tình thương, sự vất vả của cả một gia đình nên ăn thấy ngon đến lạ. Mỗi lần sang nhà hàng xóm chơi, nếu được mời ăn bát cơm nóng, đứa trẻ nào cũng cúi đầu cảm ơn, ăn đến hạt cuối cùng, không dám để thừa. Không phải vì sợ mắng mà vì thấy tiếc. Hạt gạo bé tí, nhưng mang cả tấm lòng quê hương.
Bây giờ dễ dàng mua được gạo ở siêu thị, cửa hàng hay ngoài chợ. Chỉ cần vài cái nhấn tay là có một nồi cơm điện thơm phức. Nhưng trong lòng tôi, cơm mẹ ngày xưa vẫn là nhất. Có khê một tí, cháy một tí, vẫn cứ thơm ngon. Bởi nồi cơm ấy nấu từ gạo mẹ giã, nước mẹ gánh, lửa mẹ nhóm...
Hạt gạo làng ngày xưa còn gắn với những năm tháng chiến tranh, thiếu thốn. Người làng tôi vẫn kể những năm đói kém, mỗi nhà chỉ đủ gạo ăn hai bữa, còn lại độn khoai, độn sắn. Mỗi bát cơm có vài hạt gạo trắng là quý lắm. Ấy vậy mà vẫn sẵn lòng sẻ chia. Ai có thêm gạo thường hay mang cho hàng xóm ốm đau. Hạt còn được gửi ra tiền tuyến. Hạt gạo khi ấy không chỉ là cái ăn mà là tình người, là tấm lòng quê, sức mạnh để vượt qua khổ cực, chiến tranh.
Còn nhớ, có lần tôi theo mẹ ra đồng từ 3 - 4 giờ sáng. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao phải đi cấy sớm vậy?”. Mẹ cười bảo: “Mùa này nắng rát cấy sớm mới kịp thời vụ. Cấy muộn là lúa dễ bị sâu, ra đòng ít đậu hạt. Mất mùa là cả nhà cùng đói con ạ!". Câu nói ấy đơn sơ, nhưng sau này lớn lên, tôi mới thấm hết. Mỗi hạt gạo là sự đánh đổi không chỉ là thời gian, công sức mà là cả yêu thương và hy sinh.
Giờ đây, giữa phố xá đông đúc, đôi khi ta đã quên mất hạt gạo từ đâu mà có. Ta ăn vội, sống nhanh, đôi khi bỏ thừa cả bát cơm vì mải nhìn màn hình điện thoại. Nhưng có những lúc lặng lại, khi ngửi thấy mùi cơm mới hay tình cờ bắt gặp bài thơ của Trần Đăng Khoa, lòng ta lại như có ai đó nhắc nhẹ để nhớ về một vùng ký ức thơm thảo, về những mùa gặt rộn ràng, về bàn tay mẹ đổ từng nắm gạo vào nồi cơm tối.
Hạt gạo làng ta không chỉ là thứ nuôi sống thân xác, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn. Là biểu tượng của lòng biết ơn, của sự sẻ chia, của tình đất, tình người. Để dù đi đâu, làm gì, chỉ cần có mùi cơm trắng bay lên, ta lại biết mình vẫn còn quê để nhớ, còn mẹ để thương và còn một hạt gạo thơm nhỏ thôi, mà quý như một phần đời.
NAM CHÍNH