Khám phá

Hành trình bền bỉ đưa Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thành Di sản văn hóa thế giới

HẢI HẬU (thực hiện) 14/07/2025 11:08

Phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Hải Phòng đã phỏng vấn đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hành trình bền bỉ đưa quần thể danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản văn hóa thế giới.

ba-tran-thi-hoang-mai(1).jpg
Tiến sỹ Trần Thị Hoàng Mai, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Lúc 13 giờ 2 phút (giờ Paris) ngày 12/7/2025, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) diễn ra từ ngày 6 đến 16/7 tại Paris (Pháp), Giáo sư Nikolay Nenov – Chủ tịch Kỳ họp – đã chính thức công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng) là Di sản văn hóa thế giới. Nhân sự kiện đặc biệt này, phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Hải Phòng đã phỏng vấn đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hành trình bền bỉ đưa quần thể danh thắng trở thành Di sản văn hóa thế giới.

- Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới được Việt Nam khởi động từ năm 2012. Qua 13 năm xây dựng và hoàn thiện, chúng ta đã mang đến Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới hồ sơ di sản có giá trị nổi bật toàn cầu như thế nào, thưa đồng chí?

Toan-canh-khu-di-tich-Con-Son (1)
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên và là Di sản liên tỉnh thứ hai trong tổng số 9 Di sản Thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận

- 13 năm qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp với ICOMOS - tổ chức tư vấn chuyên môn của UNESCO - để khảo sát và thẩm định. Ít nhất có 3 đoàn chính thức của ICOMOS cùng chuyên gia quốc tế đã làm việc tại các địa phương. Trong các cuộc làm việc, Việt Nam khẳng định thiền phái Trúc Lâm, dòng Phật giáo do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13 là hệ tư tưởng đặc biệt, kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa, Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tư tưởng này không chỉ dừng ở triết lý tu hành mà còn thấm sâu vào quản trị quốc gia, giáo dục, ngoại giao và y học, thể hiện rõ nét mối liên hệ giữa đạo và đời. Đây cũng là tông phái Phật giáo duy nhất trên thế giới được sáng lập bởi một vị vua thoái vị để tu hành - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Giá trị văn hóa của thiền phái thể hiện qua hệ thống chùa chiền, tháp mộ, am tu hành, tuyến hành hương, mộc bản và bia đá được quy hoạch có chủ đích trong cảnh quan thiên nhiên linh thiêng. Các lễ hội như hội xuân Yên Tử, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức hằng năm, nối tiếp mạch sống tâm linh phong phú hàng trăm năm qua.

Tại kỳ họp thứ 47, Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) nhất trí thông qua hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới bởi bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn mang giá trị nổi bật toàn cầu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí 3 và 6 để ghi danh Di sản thế giới.

doan-dai-bieu.jpg
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn công tác của Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp

Bảo vệ thành công hồ sơ di sản là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan Trung ương như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; sự tham gia chuyên môn sâu sắc của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, Ủy ban Di sản Thế giới của Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp; vai trò quan trọng của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris; sự ủng hộ, đồng thuận của 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO...

- Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên và là Di sản liên tỉnh thứ hai trong tổng số 9 Di sản Thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận. Trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị Di sản liên vùng, liên tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu như thế nào để đạt được sự thống nhất cao trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả Di sản Thế giới đặc biệt này?

- Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha, vùng đệm 4.380,19 ha, trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh. Vùng lõi gồm 12 điểm di tích; trong đó tỉnh Quảng Ninh gồm 5 điểm là Thái Miếu, chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang; thành phố Hải Phòng gồm 5 điểm là chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương và tỉnh Bắc Ninh gồm 2 điểm là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà; phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của thiền phái Trúc Lâm - trung tâm của di sản. Vùng đệm đóng vai trò bảo vệ cảnh quan văn hóa, bảo đảm sự toàn vẹn và liên kết của quần thể, được quản lý nghiêm ngặt theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Lâm nghiệp Việt Nam.

Việc quần thể di tích được ghi danh còn giúp tăng cường liên kết vùng giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, xây dựng một không gian di sản thống nhất, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng sẽ tham mưu thành phố phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Ninh tổ chức các cuộc hội thảo, mời các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để cùng nâng cao nhận thức, nghiên cứu và phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả cao để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới, gắn kết với việc bảo tồn di tích, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại các Di sản thế giới với mục tiêu phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn.

- Năm 2025, sau gần 2 năm được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, quần đảo Cát Bà đã có bước bứt phá ngoạn mục, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế. Với cụm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trên địa bàn thành phố Hải Phòng, thuộc quần thể vừa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những định hướng, kế hoạch gì để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời gian tới, thưa đồng chí?

ba-hoang-mai.jpg
Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và các đại biểu tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp

- Đáng mừng là chúng ta có 2 năm kinh nghiệm phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà. Từ kết quả truyền thông trên truyền hình CNN khu vực châu Á (Đông Bắc Á, châu Á Thái Bình Dương, Nam Á) năm 2024, năm 2025, Sở Văn hoá và Thể thao (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì thực hiện nhiều hoạt động truyền thông về giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trên hệ thống truyền hình lớn, như: Đài Truyền hình Việt Nam (các kênh: VTV1, VTV3, VTV4…); trên màn hình tất cả chuyến bay (quốc nội và quốc tế) của Vietnam Airlines; trên màn hình led tại các sân bay quốc tế; trên nhiều nền tảng mạng xã hội Kols/Koc, Tiktok, Youtube, Douyn, Instagram, Twitter… Qua đó, thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế, khu vực, đưa Cát Bà bứt phá ngoạn mục trở thành điểm đến du lịch trên thế giới và khu vực.

Khi Việt Nam đón nhận Di sản Thế giới thứ hai Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, trong đó cụm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng mới, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai những chiến lược truyền thông mạnh mẽ, đưa di sản đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Với danh hiệu uy tín này, hy vọng di sản sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, tạo động lực phát triển du lịch và các ngành liên quan, từ đó thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển bền vững, mang lại nguồn lợi lớn cho cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HẢI HẬU (thực hiện)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình bền bỉ đưa Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thành Di sản văn hóa thế giới