Đời sống văn hóa

Gốm phù điêu: Tình đất, nghĩa đời

T.H (theo TTXVN) 02/07/2025 6:07

Kế thừa truyền thống của ông cha và sự khéo léo, tinh tế trong chế tác, tạo hình, Nghệ nhân Nhân dân Phạm Văn Tuyên (đại đức Thích Chánh Tịnh) ở Hải Phòng đã tạo nên một dòng gốm khác biệt và đặc sắc - gốm Phù điêu.

nghe-nhan.jpg
Đại đức Thích Chánh Tịnh - Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên tại cuộc gặp của các Kỷ lục gia

Đại đức Thích Chánh Tịnh xuất gia từ năm 18 tuổi, miệt mài học tập và nghiên cứu về Phật pháp, có kiến thức rộng về văn hoá, lịch sử. Như một nhân duyên, ông say mê nghiên cứu các họa tiết phù điêu gốm cổ trong các đền chùa. Ông tìm cách phục hồi những hiện vật, những chi tiết bị bào mòn do thời gian. Điều ấy đã đưa ông đến với nghệ thuật phục dựng và chế tác những sản phẩm gốm truyền thống với chất liệu, kỹ thuật và kiểu dáng mang vẻ đẹp thuần Việt.

Đại đức chia sẻ: "Chùa là bảo tàng văn hoá nghệ thuật của dân tộc, hội tụ đỉnh cao của kiến trúc điêu khắc… được thể hiện qua các chất liệu gỗ, đá, đồng, đất nung và gốm sứ, trong đó gốm sứ có tuổi thọ hàng ngàn năm mang thông điệp lịch sử đương thời gửi lại ngàn sau. Những năm tháng tu hành ở các tu viện tôi thấm đẫm điều đó, tôi quan tâm nghiên cứu và gốm đến với tôi từ đó".

Chú thích ảnh
Tượng Phật bà - một vẻ đẹp hoàn hảo

Xưởng gốm Phù Điêu của đại đức Thích Chánh Tịnh nằm yên bình trong một con ngõ nhỏ ở thôn 3, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy (nay là Kiến Hải).

Nét độc đáo trong gốm phù điêu của ông thể hiện ở chỗ, mỗi sản phẩm đều là độc bản, mang phong cách đặc trưng riêng của nghệ nhân từ khâu chế tác, tạo khuôn âm bản đến quá trình nặn khắc tinh xảo, công phu... tất cả được làm thủ công. Những sản phẩm gốm phủ men gio, nung củi hoàn toàn theo công thức thuần Việt từ ngàn xưa cha ông để lại.

Đại đức Thích Chánh Tịnh dành nhiều công sức tìm hiểu về các loại cao lanh, đất sét để tạo chất liệu cho các loại sản phẩm; tìm các nguồn nguyên liệu thích hợp để tạo màu men gio, men xanh, men nâu tương ứng với men gốm cổ; các kỹ thuật nung và các kiểu lò nung. Với tài năng bẩm sinh, khát vọng sáng tạo cùng với quá trình nghiên cứu bài bản, ông đã chế tác ra được nhiều sản sản phẩm gốm, các loại phù điêu, họa tiết độc đáo, mang vẻ đẹp riêng, từ những chi tiết nhỏ đến các kích cỡ lớn. Ông mong muốn qua những tác phẩm của mình thể hiện triết lý nhà Phật, những quan niệm từ bi bác ái hiện hữu trong đời sống nhân sinh.

Chú thích ảnh
Miệt mài lao động sáng tạo

Về quá trình lao động sáng tạo của mình, đại đức cho biết: "Khó khăn nhất trong chế tác gốm đó là tạo ra dòng gốm riêng biệt được điêu khắc, nặn đắp, phủ men và nung đốt sao cho không rơi rụng nứt xé trong lò ở nhiệt độ cao hơn 1200 độ C. Vì chưa có ai làm cho nên tôi cố gắng tự mình tìm tòi, tích luỹ bí quyết, công thức cho dòng gốm này, từ lúc là viên đất đến khi thành sản phẩm. Tôi cố gắng làm chủ mọi công đoạn, đi sâu vào tinh hoa truyền thống, tạo ra cái hồn cái cốt thuần Việt, không mang bóng dáng gốm Trung Hoa!"

Chú thích ảnh
Tình yêu dành cho gốm

Một trong những chế tác nổi bật của đại đức Thích Chánh Tịnh là bộ Bách Bình được trao Kỷ lục Việt Nam. Đây là bộ sản phẩm gốm được chế tác và đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam nhiều loại nhất. Ông đã tạo ra 100 mẫu bình gốm cỡ lớn, từng bình có các hoa văn phù điêu cổ; mỗi chiếc có một dáng vẻ riêng, chỉ sản xuất độc bản và ghi tên người chế tác vào từng bình. Với bộ Bách Bình độc đáo này, Đại đức Thích Chánh Tịnh đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2020. Đến tháng 5/2025, ông được phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Chú thích ảnh
Trong xưởng sản xuất

Sau đấy, ông tiếp tục phát triển dòng gốm đắp nổi, tinh xảo trên bề mặt đồ gốm với các tác phẩm kích thước lớn như: Các bộ tượng Phật, Bồ tát, Phúc Lộc Thọ, bộ tượng vua Hùng và các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; đắp nổi chim, muông thú, phong cảnh. Đến nay, ông đã sáng tạo trên 5.000 sản phẩm gốm các loại. Các tác phẩm của ông đã được trao nhiều giải thưởng, trưng bày trong các bảo tàng, triển lãm cũng như đến với những người yên mến nghệ thuật gốm ở mọi miền.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm phong phú

Đại đức chia sẻ: "Với tôi, gốm như cuộc chơi định mệnh, đã dấn thân không bao giờ ngơi nghỉ. Tôi rất muốn dành thời gian để trao đổi với các chuyên gia, các nhà văn hoá về đề tài cùng quan tâm, như vấn đề “Gốm sứ có mặt trong không gian tế tự Phật giáo” qua các thời kỳ. Chẳng hạn, ở Đồ Sơn có tháp Tường Long, vua Lý đời thứ ba cho xây, hình bát giác cửu phẩm, công dụng là làm ngọn hải đăng, có biến thì đốt đuốc báo về núi Yên Tử, Yên Tử đốt đuốc báo về Thăng Long, đó là phía Đông Nam. Phía Bắc có một núi, phía Tây có một núi cũng đều xây kiến trúc đó, hình tam giác, thành Thăng Long ở trung tâm. Nền chính trị nhân bản đã sùng thượng đạo Phật để trị quốc, bình thiên hạ. Các đồ gốm sứ, đất nung, đá, gỗ… đều có mặt ở cơ sở di sản đó!"

Ông bày tỏ: "Tôi mong có điều kiện được mở xưởng ở nơi rộng rãi, đạo tạo người học nghề, du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm, mua bán… để tạo nên cái nghề cho bản địa, góp phần phong phú cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam!"

9 sản phẩm OCOP đều đạt 4 sao của nghệ nhân Phạm Văn Tuyên gồm: Bộ cửu long tranh châu; đôi đèn gốm kiểu nhà Mạc; Tượng Bồ tát quan âm; Bộ Tứ quý; Bình Phù điêu hoa sen; Bộ doanh nhân Việt Nam Lý Thái Tổ; giỏ hoa hồng; đôi bình men huyết long; bồn sen…

T.H (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gốm phù điêu: Tình đất, nghĩa đời