Giáo xứ Kẻ Sặt thuộc Giáo phận Hải Phòng, sau khi Hải Dương và Hải Phòng hợp nhất, niềm vui như nhân đôi, mối dây liên kết vốn có nay thêm bền chặt, gần gũi.
Gắn kết từ lâu
Cộng đồng giáo dân thuộc Giáo phận Hải Phòng trải dài từ tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương (cũ) và một phần của tỉnh Hưng Yên, trong đó có Giáo xứ Kẻ Sặt thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (cũ), nay là xã Kẻ Sặt (TP Hải Phòng). Đây là một trong những giáo xứ lâu đời với lịch sử gần 400 năm. Nhà thờ Kẻ Sặt có quy mô lớn và kiến trúc độc đáo, thường xuyên đón tiếp các đoàn linh mục và giáo dân từ khắp nơi trong vùng.
Theo Trùm cả giáo xứ Kẻ Sặt Dominico Nguyễn Đình Dũng tùy theo ngày lễ kính các thánh hoặc quy định của giáo phận, giới trẻ hoặc hội đoàn trực thuộc của giáo xứ Kẻ Sặt phải quy tụ về nhà thờ chính tòa Hải Phòng.
Nhiều giáo xứ thuộc Hải Dương (cũ) từ lâu đã sinh hoạt dưới sự hướng dẫn mục vụ của giáo phận Hải Phòng. Do vậy khi hợp nhất Hải Dương với TP Hải Phòng, cộng đồng giáo dân rất phấn khởi khi chính thức hợp nhất về mặt hành chính, mục vụ với giáo phận Hải Phòng, mối dây liên kết đó được củng cố vững chắc, toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Văn Hùng trùm cả giáo xứ Thánh An Tôn chia sẻ Hải Phòng và Hải Dương trước kia từng là một vùng đất, nay trở lại một nhà. Trong phạm vi giáo phận, hoạt động kết nối giữa các giáo xứ thuộc giáo phận Hải Phòng diễn ra thường xuyên. Những dịp đại lễ, linh mục, thiếu nhi, ca đoàn… của các giáo xứ đều hiện diện tại Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng tại số 46 Hoàng Văn Thụ - mái nhà chung của cộng đồng Công giáo trong vùng.
Từng có thời gian sinh sống và công tác tại Hải Phòng, ông Hùng cảm nhận rõ sự gần gũi trong lối sống và tư duy của người dân. “Người Hải Dương hay Hải Phòng đều đoàn kết, trọng đạo lý, sống chan hòa. Giờ về chung một mái nhà thì càng thêm thuận lợi,” ông trùm cả Nguyễn Văn Hùng nói.
Tin vào sự đổi mới
Ghi nhận tại xã mới sau sáp nhập, nhiều giáo dân bày tỏ sự phấn khởi khi bộ máy hành chính tinh gọn, việc giải quyết các thủ tục tôn giáo đơn giản, hiệu quả hơn. Trước đây, các nghi thức của giáo xứ trước khi thực hiện được đăng ký với UBND cấp xã và Phòng Nội vụ của huyện, giờ đây việc đăng ký chỉ cần được thực hiện ở cấp xã, không phải qua khâu trung gian.
Trong lời giảng, cha xứ lồng ghép nội dung về sắp xếp địa giới hành chính, tinh giản bộ máy để triển khai tới toàn thể giáo dân. Việc được hợp nhất trọn vẹn về giáo phận Hải Phòng không làm mất đi bản sắc riêng, mà ngược lại giúp mọi hoạt động của giáo xứ Kẻ Sặt thêm phần thuận lợi. Các chương trình đào tạo linh mục, mục vụ giới trẻ, sinh hoạt hội đoàn… sẽ được tổ chức đồng bộ, bài bản và thường xuyên hơn.
Ngày 8/7, sau khi xã mới được thành lập và đi vào hoạt động, đại diện các chức sắc tôn giáo trên địa bàn xã Kẻ Sặt đã đến chúc mừng Đảng bộ và chính quyền xã mới. Cộng đồng giáo dân kỳ vọng chính quyền tiếp tục hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, mong muốn được quan tâm, tạo điều kiện trong các sinh hoạt tôn giáo, gìn giữ bản sắc văn hóa tín ngưỡng.
Với tinh thần đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo, cộng đồng người công giáo Kẻ Sặt tiếp tục đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp sức để xây dựng quê hương Kẻ Sặt ngày càng đổi mới, phát triển sau sáp nhập.
Xã Kẻ Sặt được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của thị trấn Kẻ Sặt và các xã Vĩnh Hưng, Hùng Thắng, một phần xã Vĩnh Hồng. Xã Kẻ Sặt có diện tích 24,66 km², dân số 39.554 người, đồng bào công giáo chiếm hơn 20% số dân của toàn xã (hơn 8.000 người) ở 3 giáo xứ: Kẻ Sặt, Thánh An Tôn, Thánh Phêrô.