Đất nước đang đứng trước thời khắc lịch sử: Ngày 1/7/2025 - thời điểm chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp trên toàn quốc. Một hành trình khép lại và một chương mới về quản trị quốc gia được mở ra để phù hợp với sứ mệnh và khát vọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.
7 tháng vụt qua như một cái chớp mắt. Kể từ “tiếng trống lệnh” của Tổng Bí thư Tô Lâm đầu tháng 11/2024 với bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ. Từ việc sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cho đến quyết định sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập đơn vị cấp xã, cùng với đó là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện các quy định pháp luật song hành nhằm thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp…, tất cả là một giai đoạn đầy thách thức và vô vàn trở ngại. Nhưng khi chúng ta đang đứng ở đây, sẵn sàng cho thời khắc 1/7/2025, thì điều đó cũng đã chứng minh cho thành công rực rỡ của sự đột phá về tầm nhìn, sự kiên định về chủ trương, sự linh hoạt và quyết tâm cao nhất trong triển khai thực hiện và trên hết là sự đoàn kết, thống nhất “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” của toàn Đảng, toàn dân ta.
Ngày 16/6 vừa qua, với 470/470 đại biểu có mặt tán thành (100%), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đây là những quyết định then chốt, mang tính lịch sử, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp - lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Trước đó 4 ngày, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025: Cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Từ chỗ có 63 tỉnh, thành phố, bây giờ hợp nhất thành 34 tỉnh, thành phố - đó thực sự là bước đi cụ thể hóa “tầm nhìn 100 năm” kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương, cho vùng và rộng hơn là cho cả nước.
Những quyết sách trọng đại của Quốc hội là sự “kết tinh” của một quãng thời gian hơn 7 tháng “vừa chạy vừa xếp hàng” của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực làm việc không quản ngày đêm của nhiều bộ phận hữu quan, sự tham gia góp ý tích cực, sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, với sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đặc biệt, ở đó cũng ghi nhận nhiều sự hy sinh lợi ích cá nhân vì đại cục… Rõ ràng, khi “ý Đảng, lòng dân” hòa làm một, những khó khăn, vướng mắc cuối cùng cũng tìm được hướng giải quyết.
Một giai đoạn phát triển mới của đất nước đã được mở ra với tư duy đổi mới, đột phá và những nền tảng vững chắc được tạo dựng từ những kỷ nguyên trước của lịch sử Việt Nam hiện đại. Nhưng tất nhiên, trước mắt chúng ta chưa hết thách thức. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp có thể phát sinh những vướng mắc, bất cập trong quá trình mới vận hành. Công tác cán bộ, tâm lý cục bộ địa phương, những tâm tư về tên gọi mới của địa phương, vị trí trụ sở, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho cán bộ ở xa, chế độ, chính sách… rất dễ tạo nên tâm lý so sánh thiệt hơn, dẫn đến mất đoàn kết trong không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà cả trong dư luận xã hội. Nếu không có sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu sắp xếp bộ máy và ổn định, phát triển đất nước, đồng thời sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, gây chia rẽ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.
“Hôm nay đi tỉnh mới
Tâm trạng cũng bồi hồi
Sau lưng mưa tí tách
Phía trước nắng vàng tươi
…
Quê hương là Tổ quốc
Đoàn kết để vươn mình”.
Chia sẻ đó của một người bạn là cán bộ khi lên đường nhận nhiệm vụ ở tỉnh mới hợp nhất, là một tâm trạng chung có thể dễ hiểu được vào thời điểm này. Mỗi người, ở mỗi vị trí công tác của mình, đều không khỏi “bồi hồi” trước sự thay đổi lớn lao, trước cái mới. Nhưng ở đó cũng cho thấy sự đổi mới tư duy mạnh mẽ: Coi quê hương không chỉ là thôn, làng, ấp, bản, xã, phường…, mà được mở rộng ra cả đất nước.
Như vậy, có thể thấy, khi vận hành bộ máy mới, nhất là trong giai đoạn đầu hiện nay, “công tác tư tưởng vẫn rất cần được quan tâm, để tạo nên sự thống nhất cả về nhận thức lẫn hành động trong xã hội, trong nhân dân, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Như vậy mới tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, tạo được động lực làm việc” - Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nhìn nhận.