Đời sống văn hóa

Chợ thôi phiên

HOÀNG THƯƠNG 26/01/2025 10:00

Có một phiên chợ đặc biệt, nằm ngoài những ngày chợ phiên. Ấy là phiên chợ họp vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, trước ngày mùng một Tết. Người quê tôi gọi đó là chợ thôi phiên.

cho-thoi-phien-2.jpg
Phiên chợ họp vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, trước ngày mùng một Tết thường được gọi là chợ thôi phiên

Phiên chợ của chữ “tình”

“Chợ làng một tháng 6 phiên...” - câu ca ấy như ma lực, giản dị mà nhắc nhớ vô cùng.

Thuở tóc để chỏm, tôi từng theo bà nội khắp những chợ phiên quanh vùng, đủ để nhớ ngày phiên chợ họp: chợ Bùi họp những ngày 2 ngày 7; chợ Vé họp những ngày 3, ngày 8; chợ Gọc họp những ngày 4 ngày 9... rồi chợ Đọ, chợ Trại, chợ Bóng, chợ Thông, chợ Thói... Có điều, tất cả những phiên chợ gần nhau của những khu vực dân cư quanh vùng không biết có được ai xếp đặt hay không mà đều họp phiên so le, không trùng ngày phiên của những chợ khác gần đó bao giờ.

Những ai không đi được chợ này, sẽ thu vén việc nhà mà đi phiên chợ khác cách nhau chừng hơn chục cây số. Và mỗi phiên chợ, không chỉ là điểm mua bán, trao đổi những gì người dân trong vùng trồng cấy, chăn nuôi được, đó còn là nơi thể hiện đậm nét dấu ấn của những phong tục tập quán của cả một vùng dân cư, miền sứ xở. Nhưng có một phiên chợ đặc biệt, nằm ngoài những ngày chợ phiên, ấy là phiên chợ họp vào ngày cuối cùng của năm cũ âm lịch trước ngày mùng một Tết. Người quê tôi gọi đó là: chợ thôi phiên.

Không hiểu, người đặt cái tên phiên chợ cuối cùng của năm là chợ thôi phiên ấy có gửi gắm gì không, nhưng sau lang thang qua những dọc ngang của chợ làng, hít hà đủ thứ hương vị của quê từ mùi rau củ, mùi cua cá, mùi ngan vịt mùi rổ rá giần sàng đến cả mùi của bánh rán bánh ú, bánh đúc, riêu cua... mắt no nê bởi sắc màu xanh đỏ tím vàng của chùm bóng bay treo tết, của mớ mùi già, của miên man hành tỏi buộc túm vừa đủ héo... thì với tôi, dường như Tết đã về bọc đầy trong vạt áo.

cho-thoi-phien-5.jpg
Chợ thôi phiên bày bán nhiều sản vật của địa phương

Nhưng phiên chợ thôi phiên hôm nay khác với những ngày trước đó, khi có mùi của hương bài, hương đen loang trong gió, quấn vào từng bước chân, khi người không quá chen người, đủ khoảng trống cho ta ngắm nhìn. Khi những nhẩn nha, những túm tụm, thì thầm giữa người mua với người bán bên món hàng... chợt khiến ta nhận ra, phiên chợ thôi phiên này đến lạ.

- Nhà bác có lá gói bánh chưa?

- Tôi nhặt được ít cuối vườn rồi.

- Bác cầm mấy chục lá này về gói kèm vào lá vườn nhé.

- Ôi thôi cô ạ.

- Bác cứ cầm về, em không tính tiền đâu. Rồi cô bán lá bánh vừa “ấn” mấy bó lá dong vào vòng tay bác gái nhìn cũ cũ vừa đon đả.

- Vâng, thế cô cho tôi xin. Năm nay bão gió thế, lá gói mót cuối vườn cũng tơ tướp lắm, bòn giọt mãi được mấy chục lá, cũng chỉ định đùm mấy chiếc bánh để thắp hương cô ạ.

- Bà chài ơi - tiếng cô Tốn ầm ầm góc chợ - mang ít rau về này, mấy ngày Tết luộc mà xơi cho mát ruột. Tết nhất có lên bờ không hay sông nước lênh đênh cho nó bập bềnh?

- Khỉ gió nhà bà Tốn – tiếng bà chài rổn rảng lẫn trong giọng cười – Thì nghề hạ bạc thì hạ bạc, Tết nhất cũng phải lên bờ chứ. Còn ông bà tổ tông, ai lênh đênh được bà ơi.

- Thôi rau bà để bán chứ cho tôi thì của đâu ra.

- Ơ rõ cái nhà bà chài. Rau tôi trồng được, chả có lẽ không cho bà được vài mớ rau mấy cọng hành. Giầu thì giẩu giẩu giầu giâu chứ giầu đâu mấy cái móc câu vét người.

- Thế bà cho tôi xin, tôi gửi bà mấy đồng mua cây giống qua xuân giồng tiếp – bà chài ấn mớ tiền lẻ vào tay bà Tốn.

- Tiền nhà bà nó có lỗ trôn kim không?, giọng bà Tốn đáo để. Tiền có lỗ trôn kim tôi mí nhận nhá. Chết chửa, bà làm như chỗ nào cũng bạc cũng tiền á...

- Thôi thôi, tôi xin. Tôi xin.

- Bà chài ơi, nao mát giời, bà cho bà Tốn xuống thuyền bập bềnh với lão chài vài hôm cho nó thắm tình đất với nước, giọng ông bán hàng mây tre đan gióng giả.

- Thôi ông ơi, “một ngày tựa mạn thuyền rồng, còn hơn muôn kiếp nằm chung thuyền chài” – bà chài đáo để - Mình tôi tôm cá đủ rồi, ai lại lỡ bắt bà bạn thơm tho của tôi chung kiếp”.

Tiếng cười loang ra cả một góc chợ, tan cả màn sương mù của những ngày đông giá.

cho-thoi-phien-3.jpg
Lá dong là mặt hàng được bán nhiều ở chợ thôi phiên ngày cuối năm

Vừa tủm tỉm cười chung với họ, tôi nhẩn nha tiếp tới hàng bán cây cảnh. Miên man là quất là đào, có đủ mai vàng, mai trắng, thêm cả cây thế, cây cảnh và cơ man những loài hoa. Đỏ rực của hồng nhung, vàng cháy của cúc đại đóa, vàng nắng của mai, vàng tươi của quất, tím mong manh của violet... Thế mới thấy, sự thông thoáng dọc ngang của đường, của lộ đã thêm một phần đưa những vùng quê vốn xa xôi thành gần gũi, để hàng hóa ra Bắc vào Nam, để mùa xuân ôm trọn tất cả vùng quê vào vòng tay của mình.

Vừa kịp nghĩ tới đó, tôi chợt khựng lại khi gặp ánh mắt đầy âu lo của anh chủ hàng quất Tết. Cả một dãy dài những cây quất không thật sum xuê, um tùm, nõn nà như Tết năm trước. Dáng cây như cằn cỗi hơn, lá vàng hơn, quả bớt to và lộc chỉ mới nhú sau từng nách lá... Hình như cả trăm cây quất của hàng anh vẫn nguyên khi lúc vừa hạ từ xe tải xuống.

Thấy tôi chần chừ dừng bước trước hàng mình, anh ngập ngừng bước ra. Đôi tay với những chiếc móng cáu đen của đất màu, của nhựa cây xỉn lại đan vào nhau đặt trước bụng, anh rụt rè: “Bác bá mua mở hàng giúp em một cây. Chợ nay vãn rồi, em chưa bán được cây nào bác ạ, gần trăm cây quất của cả vườn...”

Lời mời như nghẹn lại. Khuôn mặt với cặp mắt đỏ khé vì mất ngủ, bộ râu nham nhở chắc mấy ngày không cạo... Tôi không dám bước tiếp, không thể bước tiếp. Nhìn suốt lượt những cây quất mà hoang mang, Tết của cả một gia đình, của nhiều con người đấy.

“Năm nay bán chậm quá hả anh?". "Dạ, không phải bán chậm mà nhà em xuống hàng muộn quá. Đã tính xuống từ 26 để kịp phiên chợ 27 mà bà cụ bỗng trở giời bệnh tim phát nên phải đi viện gấp, thành ra...". "Thế giờ anh bán thế nào? Bao nhiêu một gốc quất này?". "Thôi, giờ này còn giá dênh gì nữa bá, chỉ mong bán được lấy vài chục cây, đủ để trả tiền thuê xe chở đi chở về, còn bao nhiêu, em lại mang về vườn chăm cho Tết sau...".

"Lúc đầu định bán vài trăm một gốc, giờ bá mở hàng giúp em, cho bao nhiêu thì cho ạ...". "Thế giờ còn ở đây thì Tết nhất thế nào?". "Bác ơi, như này cả năm giở vai cho giời xem rồi, còn Tết nhất gì được hả bá?".

Câu nói ấy của anh chủ hàng quất Tết khiến xung quanh chùng xuống. Nhiều tiếng chép miệng vây quanh. Chợ quê có cái hay là không ai hỏi thì có khi ế nhưng chỉ cần một vài người xúm lại thì lập tức sẽ có nhiều người chung theo.

Tôi chọn một cây quất nhỏ, gửi cho anh chủ hàng quất một chút tiền, anh rối rít tìm tiền trả lại “em không nhận của bác nhiều như thế” rồi quay ra những người đang đứng xung quanh: “các bác đỡ em với, bác nào nhặt cây nào thì nhặt, cho em xin chút tiền xe em chở những cây ế về lại vườn”... Và, chỉ một loáng sau, hàng quất Tết vơi đi quá nửa. Bên cạnh anh hàng quất thấy có cả lá bánh, cả rau củ vườn quê, cả hương bài ngày Tết...

Phiên chợ của tiếp nối cội nguồn văn hóa

cho-thoi-phien-1.jpg
Chợ phiên ngày Tết còn là vẻ đẹp văn hóa của từng vùng miền

Tôi nhớ, có đọc một cuốn sách, ai đó từng viết: “Muốn biết phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, mức sống của cư dân một vùng, bạn chỉ cần đến chợ. Chợ như cái bụng của vùng ấy”.

Có lẽ, đến tận giờ này, khi thương mại điện tử với những gian hàng online thời 4.0, 5.0 rộn ràng cũng không thể thay thế được chợ quê. Bởi sao ư? Bởi ở đó có cả những nét văn hóa bao đời của vùng quê ấy ghim lại. Người đi xa nhớ hàng bánh lăn đùi bà Nguyệt; nhớ hàng chè tươi cụ Goòng, nhớ hàng thuốc nam ông lang Tứ...

Chợ thôi phiên càng gợi nhớ những điều ấy. Nó là phiên chợ cuối cùng của tháng chạp âm lịch có nghĩa là phiên chợ thứ 7 của tháng chạp, phiên chợ thứ 73 của năm tính theo lịch mặt trăng.

Ở chợ thôi phiên không chỉ có hàng hóa, nó còn có sắc màu và hương vị, điều mà chợ online không thể làm được. Và ở chợ thôi phiên, nó còn có cả những thì thầm rất riêng tư: “thằng cháu nhà em lấy vợ rồi nhé. Vợ nó vừa nở nhé, con giai bà ạ”. "Thế nhất bà rồi. Bõ công lặn lội thân cò”. Hay giọng cười khinh khích “nằm đất với anh hàng hương còn hơn nằm giường với anh hàng mắm”. Nhưng “không có mắm bà lấy áo gấm mà xông ư”? ... hay “Sàng đan lóng mốt, giần đột lóng đôi, cô mà lôi thôi, tôi thì ...”

cho-thoi-phien-6.jpg
Những phiên chợ quê vẫn có sức hút riêng với nhiều người dù mua sắm online ngày càng phát triển

Đấy những câu ví von dù không lớn tiếng như âm thanh “Mười ngàn ba món, ba món mười ngàn” phát ra từ chiếc loa sắt vô hồn kia nhưng nó vẫn có sức sống mãnh liệt, nó đằm xuống, len vào tim óc con người. Nó làm cho bao vất vả nắng mưa của cuộc đời mềm lại, khuất lấp đi.

Hay như mớ mùi già, như cây hương bài, như chiếc thúng, chiếc sề, chiếc sảo... Nó không chỉ là vật dụng vẫn bền bỉ len lỏi vào cuộc sống của mỗi gia đình dù cho rổ nhựa, lọ tinh dầu chiết suất có thể thay thế những vật dụng ấy ở nơi nào đó thì khi thấy nó cũng không khỏi cho người từng sống cùng nó từ những quê kiểng giật mình mà nhắc lại cho thế hệ sau.

Cuộc sống vẫn chảy trôi. Nhiều điều AI đã bắt đầu làm thay cho con người. Nhưng dù công nghệ có phát triển đến đâu, trí tuệ nhân tạo có thông minh cỡ nào, nó vẫn do con người tạo ra. Mà con người có trái tim, điều mà AI không thể có, cũng như chợ online không thể thay thế những phiên chợ thôi phiên, những phiên chợ mà người bán chỉ lấy vui và người mua thấy nhẹ lòng.

Và tôi vẫn tin, những phiên chợ thôi phiên không thể mất khi trong lồng ngực mỗi người, trái tim không phải chế tác từ nhựa cứng.

HOÀNG THƯƠNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chợ thôi phiên