Tôi chưa hiểu nhiều về người lính giải phóng, nhưng tôi biết bên trong anh bộ đội Cụ Hồ giản dị kia là sự hy sinh cao cả.
14 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, theo lệnh cấp trên, Thành đã cho đơn vị tập kết an toàn. Thành mở máy báo cáo tình hình mà trong lòng không vui. Sài Gòn gần lắm rồi. Bằng mắt thường cũng nhìn rõ nhiều mái nhà cao. Vậy mà đơn vị Thành phải dừng tại đây.
Nghe giọng nói của Thành, người tiểu đoàn trưởng phía đầu dây bên kia bảo: “Không thông với nhiệm mới vụ hả? Này, nhiệm vụ giữ vững chính quyền cách mạng còn nặng nề gấp trăm lần ông lính cầm súng nơi trận tiền đó. Ông chớ coi thường mà hỏng việc”.
Vậy là Thành phải nhận chức chủ tịch ủy ban quân quản. Tiểu đoàn trưởng còn dặn kỹ trong việc giao tiếp với dân: “Đồng bào sống quá lâu trong vùng tạm chiếm ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, cậu đừng để họ hiểu sai về người chiến sĩ cách mạng”.
Trao tổ hợp cho người chiến sĩ thông tin, Thành đi kiểm tra nơi ăn chốn ở của các trung đội. Tuy các chiến sĩ dưới quyền Thành đều làm việc vui vẻ nhưng vẫn có điều gì đó gượng gạo. Chỉ có trẻ con là vô tư không hề e ngại. Lúc đơn vị Thành vừa đến, lũ trẻ đã xô ra mừng đón.
Có vẻ như người dân còn e ngại tiếp xúc với những chiến sĩ giải phóng. Trong lũ trẻ ấy, Thành chú ý tới một cậu bé chừng mười tuổi da đen. Tên nó là Bin. Nó ngắm nghía từng người lính giải phóng rất kỹ. Bất chợt nó hỏi Thành: “Cháu thấy người ta đồn lính giải phóng ở rừng lâu quá nên mọc cả đuôi”. Bọn trẻ cười ồ. Thành không thể cười nổi. Anh lại gần thằng Bin đặt tay lên vai nó nhẹ nhàng hỏi: “Ai bảo cháu vậy?”. “Má cháu”. Thằng Bin ráo hoảnh. “Vậy cháu đã thấy chú giải phóng nào có đuôi chưa?”. Thằng Bin không trả lời. Nó khẽ lắc lắc cái đầu to xù với mái tóc xoăn tít rồi lảng ra chỗ khác. Một lát sau, nó vỗ vào khẩu súng ngắn của Thành, khoe: “Má cháu cũng có một khẩu như vầy”. Thành vội hỏi: “Má cháu tên gì?". Không cần suy nghĩ thằng Bin đáp ngay: “Tên hả? Tư Hường. Dễ ợt. Cả xã này ai cũng biết”.
Giờ đây ngồi trước mặt Thành là thiếu phụ mang tên Tư Hường chừng ba bẩy tuổi, hơi đẫy, có đôi mắt khép hờ. Đôi mắt ấy khiến Thành liên tưởng tới những mắt chớp cửa sổ. Chủ nhân của nó muốn nhìn rõ người khác trong khi lại không muốn ai nhìn rõ mình. "Thưa ngài trung tá, chủ tịch ủy ban quân quản. Tôi là Nguyễn Thị Hường, thường gọi Tư Hường, cấp bậc trung sĩ nhất trong đội quân Thiên Nga thuộc lực lượng quân lực Việt Nam cộng hòa. Ngài hỏi chồng tôi hả? Chồng tôi là thiếu úy mà các ngài gọi là giặc Mỹ. Anh ta bị các ngài bắn chết tại mặt trận Khe Sanh năm 1972”. Trên gương mặt của Hường ánh lên vẻ giận dữ. Nhưng chỉ thoáng qua rồi trở lại với vẻ bất cần, khinh bạc. Tư Hường đến nộp súng và trình diện với thái độ thách thức. Thành cứ bứt rứt mãi về tính phủ nhận cách mạng đến bảo thủ không cần che giấu của Tư Hường.
Ban đầu Thành có ý định thanh minh mình không phải trung tá và tranh luận với chị ta nhằm xóa đi định kiến sai lạc về người lính giải phóng, nhưng do nóng nảy nên anh đã làm hỏng ý tốt đó. Anh không phải là chính trị viên. Mới bước ra khỏi cuộc chiến được một ngày, trong lòng người lính giải phóng còn đang sôi sùng sục. Mọi dư vị của chiến tranh như căm thù, ý chí tiến công kẻ thù vẫn còn nguyên vẹn.
Trong bản tự khai của Tư Hường viết: “Nhà nghèo, đông anh em nên vừa học xong trung học đã xin vào đội quân Thiên Nga lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em ăn học. Sống theo ý mình. Tự do làm việc. Không tình yêu. Không hy vọng. Lấy chồng Mỹ gốc Phi. Sinh được một mình thằng Bin. Không ưa cộng sản”. Thành tin bản tự khai của Tư Hường là sự thật.
Dấu ấn của đời sống Sài Gòn cũ còn rất đậm trong một con người không muốn đổi khác, không muốn hoà nhập với cuộc sống hôm nay. Thành giải thích cho Tư Hường hiểu rõ về sự nhân đạo của Mặt trận Giải phóng với kẻ lỗi lầm biết ăn năn hối cải. Quả thật công việc giải thích, vận động quần chúng không hợp với khả năng của một cán bộ quân sự như Thành.
Kết thúc cuộc tranh luận với Tư Hường, Thành bảo: “Sau này người ta có thể thống kê được số người thương vong, số gia đình tan nát vân vân. Nhưng không thể đo được những nỗi đau mất mát, dằn vặt, day dứt của người cha, người mẹ, người vợ, người con của những người cầm súng ra trận hôm qua. Chị hiểu ý tôi muốn nói chứ? Tôi mong là chị sẽ tìm ra được hướng đi của mình phù hợp với xã hội mới, sống phần đời tiếp theo tốt đẹp hơn”.
Nghe Thành nói, Tư Hường mỉm cười ngạo nghễ tỏ ý sẵn sàng chờ đợi sự phán xét của phía giải phóng. Giờ đây, cô còn gì để mất đâu mà sợ. Nhưng không. Không có cuộc tắm máu. Không có cuộc trả thù nào cả.
Tư Hường về rồi, Thành vẫn còn trầm ngâm suy nghĩ. Trước đây, Thành cảm thấy vấn đề đó ngoài bổn phận của người lính chiến như anh. Gieo gió ắt phải gặt bão. Đó là lẽ tất yếu của luật nhân quả. Thậm chí lúc ấy trong lòng Thành còn cộm lên ý nghĩ hằn học. Nhưng giờ đây trước mặt anh là con người bằng xương bằng thịt cùng mảnh đời cụ thể hiện hữu thì những thiên kiến kia lại đang bị rỉ mòn.
Thành muốn làm một việc gì đó để cho cuộc đời của Tư Hường, của những người dân nơi đây không còn mặc cảm. Các hố bom rồi đây sẽ được lấp đầy. Còn người bất cần đời như Tư Hường thì bao giờ mới trở lại bình thường? Chính anh, chủ tịch ủy ban quân quản phải có trách nhiệm.
Một lần nói chuyện chưa thể xóa nhòa được dấu ấn đã hằn vào tâm trí con người suốt hai mươi năm sống trong chế độ cũ. Nhưng dù sao cũng là tín hiệu báo bình minh sắp rạng. Hơn nữa, kiên nhẫn là cần thiết.
Chưa đầy một ngày, lũ trẻ trong xóm đã trở nên thân thiết với lính giải phóng hơn. Chúng nhanh chóng thuộc tên từng người, tính nết của những ai như thế nào. Chúng về nhà kể vanh vách với ba má rồi hỏi: “Nhà mình rộng vầy mà sao không đón vài chú về ở cho vui? Để các chú ấy nằm ngoài vườn nghe tội quá”. Cha mẹ chúng vội lấy tay bịt miệng chúng lại. Họ chưa hiểu nhiều về người lính giải phóng. Lỡ ra...
Bọn trẻ thì ngược lại, chúng không sợ. Thằng Bin dường như là “thủ lĩnh”. Nó phân công từng đứa giúp các chú. Cả bọn răm rắp nghe theo. Không đứa nào dám cãi. Chơi chán, thằng Bin đòi dạy hát. Thành cũng thấy cần thay đổi cách hát của lũ trẻ. Cách hát cũ nghe rên rỉ yếu đuối quá. Toàn thất tình, tan vỡ với nước mắt. Thành hứa tối nay sẽ dạy chúng bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh”. Thằng Bin tỏ vẻ sung sướng.
Đúng hẹn bọn trẻ đến, Thành hỏi: “Không cháu nào mang theo tập vở để viết à? ”. Bọn trẻ nhìn nhau ngượng nghịu. Thằng Bin nói: “Chữ còn hổng thèm biết, cần chi đến cây viết với tập vở”. Thành thở hắt. Thì ra vậy. Ba má chúng mải lo kiếm đủ miếng ăn đến nhược cả người thì con chữ là thứ xa xỉ. Thiếu gạo, thiếu tiền là chết ngay. Xưa nay có ai thiếu chữ mà chết đâu.
Vậy thì không thể được. Đây là công việc phải làm gấp. Giặc đói, giặc dốt là kẻ đồng hành với giặc ngoại xâm. Ngay sáng mai trong buổi giao ban, với danh nghĩa chủ tịch ủy ban quân quản, Thành sẽ đưa vấn đề này ra và kêu gọi tất cả giáo chức mau chóng trở về nhiệm sở thành lập các lớp học.
Thành hỏi: “Các cháu có muốn học chữ không?”. Thằng Bin nhướng mắt hỏi lại: “Học có mất tiền không?”. Thật khó trả lời. Ngày Thành ở miền Bắc đi học vẫn phải nộp tiền học phí. Dẫu chỉ là tượng trưng. Còn bây giờ… Thành ngẫm nghĩ giây lát rồi trả lời: “Không mất tiền. Các chú sẽ dạy vào buổi tối". Thành nghĩ ngay đến chiến sĩ Hà. Cậu ta là sinh viên đại học năm thứ ba cơ mà. Anh sẽ xin với tiểu đoàn cho Hà chuyển sang chuyên trách việc dạy học. Thế là ổn được một việc.
Hai mươi mốt giờ, nhóm học hát tạm thuộc bài, Thành cho các cháu nghỉ. Lũ trẻ lục tục đứng lên về. Bỗng Thành nghe “thịch” một tiếng khá nặng. Vốn là một chiến binh dạn dày trận mạc, từng lăn lộn khắp các mặt trận nên trong khoảnh khắc ấy Thành hiểu đó là tiếng rơi của trái lựu đạn. Thành chỉ kịp hô: “Nằm xuống”. Rồi lao nhanh đè sấp cái vật đang phát ra tia chớp xanh lè ngay sau lưng thằng Bin.
“Mẹ ơi. Có thể ước nguyện sau ngày giải ngũ con sẽ đi làm đỡ đần chút đỉnh để mẹ khỏi phải mỗi sáng vượt đò Bầu sang tận chợ Yên bán thúng xôi nhỏ. Bán xong mẹ lại tất tả quay về chuẩn bị ra đồng. Tất cả có thể sẽ không còn nữa. Hòa bình chỉ còn tính bằng ngày bằng giờ. Chết lúc này tiếc lắm phải không mẹ? Nhưng còn đàn cháu nhỏ đang đứng trước mặt con đây. Phải cứu lấy chúng”.
Một tiếng nổ khủng khiếp như xé trời đêm.
Tư Hường ào tới như cơn lốc. Đôi mắt chị ta mở to rực lửa nhìn hai kẻ vừa ném lựu đạn bị trói giật cánh khỉ. Không tên nào dám nhìn thẳng vào chị. Tiếng Tư Hường nghe lạnh đến rợn người: “Tưởng ai hóa ra mấy thằng khốn kiếp”. Bỗng Tư Hường gầm lên như con thú bị thương: “Thằng nào vừa ném lựu đạn? Thằng nào giết anh Thành? Thằng nào? Chúng mày câm hết rồi sao? Nói”. Chị ta nhào tới giật phắt khẩu AK trên tay một chiến sĩ rồi lên đạn cái “rốp”. Mọi người xô lại can ngăn.
Đám tang đại đội trưởng Thành mọi người đi rất đông. Ai cũng khóc vì tiếc thương người chiến sĩ giải phóng đã lấy thân mình cứu sống gần hai chục đứa trẻ. Tư Hường xin phép đơn vị cho thằng Bin được chịu tang Thành. “Coi như anh sinh ra nó lần thứ hai”. Tư Hường bảo thế. Không ai nỡ từ chối lòng biết ơn của người đàn bà “rách trời rơi xuống”. Tư Hường bước thấp, bước cao theo đoàn tang. Chị thầm thì: “Anh Thành ơi, mới có hai ngày được sống cùng những người phía bên kia tôi đã vỡ ra nhiều điều. Tôi chưa hiểu nhiều về người lính giải phóng, nhưng tôi biết bên trong anh bộ đội Cụ Hồ giản dị kia là sự hy sinh cao cả, là thăm thẳm chiều sâu của lòng nhân ái, của lòng vị tha đến diệu kỳ”.
NGUYỄN SỸ ĐOÀN