Vừa qua, số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện trước đây ở Hải Phòng đã chuyển về làm việc tại các xã, phường mới của thành phố.
Tạo thuận lợi cho dân
Để gần dân, sát dân hơn, những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện cũ đã và đang đi làm việc trên những quãng đường xa hơn so với trước khi bỏ cấp huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng ở thôn Tiền Liệt, xã Tân An, TP Hải Phòng (trước đây là xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) vừa được nhận 'sổ đỏ' khi sang tên mảnh đất của cha ông để lại.
Thời điểm nộp hồ sơ sang tên trước ngày 1/7, ông Sáng phải đi quãng đường 14 km lên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ninh Giang để nộp hồ sơ.
Thời điểm này, khi nhận kết quả, ông Sáng chỉ cần đi vài km từ nhà ra Trung tâm Phục vụ hành chính công xã mới vì đã có cán bộ từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Ninh Giang tiếp nhận, trả hồ sơ tại xã.
"Việc cán bộ tiếp nhận, trả kết quả tại xã vừa gần, vừa tiện cho dân. Trước kia đi lên huyện thường mất cả buổi, có lúc còn thấy lạ lẫm", ông Sáng nói. Một số người dân có mặt chờ lấy kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tân An đồng tình với cảm nhận của ông Sáng.
Để có được sự hài lòng, thuận tiện cho nhân dân, các cán bộ cấp huyện cũ đã nỗ lực cao trong giải quyết công việc. Công việc hằng ngày của chị Phạm Thị Diễm My - viên chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Ninh Giang vận chuyển hồ sơ của người dân, doanh nghiệp từ xã về chi nhánh khu vực để giải quyết và ngược lại. "Ngày hai chiều, tôi đi làm, tiếp nhận hồ sơ của người dân rồi lúc hết giờ mang lên chi nhánh khu vực giải quyết, lấy kết quả về trả cho người dân", chị My cho biết.
Do đặc thù một số thủ tục hành chính về đất đai chưa được số hoá, cần chuyển hồ sơ giấy để xử lý trực tiếp và đa phần nhu cầu của nhân dân về đất đai hiện nay vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nên chị Mỹ vẫn phải đi lại để phục vụ người dân. Chị My tranh thủ giờ nghỉ hằng ngày để bàn giao, tiếp nhận hồ sơ từ chi nhánh. Trong giờ hành chính, chị vẫn trực để nhận, trả hồ sơ cho công dân.
Chưa tính đến chi phí đi lại, xăng xe, những người ở cơ quan, đơn vị cấp huyện cũ chuyển về công tác ở xã như chị My đang nỗ lực làm việc khi những bữa cơm trở nên vội vã hơn, những giấc nghỉ trưa cũng ngắn lại, nhiều khi không có...
Thay đổi tác phong, lối làm việc
Từ ngày cán bộ cấp huyện về công tác ở cấp xã, hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các xã, phường cũ có nhiều thay đổi tích cực trong mắt người dân.
Trước kia, công chức, viên chức, người lao động ở một số xã, phường cũ cũng có lúc giải quyết công việc còn chậm, khả năng xử lý công việc trên môi trường mạng còn lúng túng, chưa thành thạo. Nay ở cấp xã mới với mô hình mới, những cán bộ cấp huyện về xã đã mang đến làn gió mới cho xã, phường mới. Đổi mới tác phong, lề lối, kỷ luật là sự đổi thay dễ nhận thấy nhất.
Tại Văn phòng Đảng uỷ xã Phú Thái (TP Hải Phòng), chị Nguyễn Thị Thảo, công chức Văn phòng Đảng ủy xã Kim Liên cũ học hỏi được rất nhiều từ tác phong, kỷ luật, tiến độ thực hiện công việc của cán bộ, công chức từ huyện Kim Thành cũ về công tác tại đây.
"Khối lượng công việc của xã mới hiện nay nặng hơn trước rất nhiều. Được làm việc với cán bộ huyện cũ, chúng tôi học được rất nhiều từ thái độ làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tiến độ hoàn thành công việc và sự khẩn trương, chỉn chu trong cách làm việc của họ. Từ đó, chúng tôi cũng phải thay đổi chính mình để bắt kịp và thích ứng", chị Thảo nói.
Không chỉ cán bộ xã được học hỏi mà chính các cán bộ cấp huyện về cấp xã cũng đang học hỏi nhiều lợi thế của cán bộ xã cũ.
Chị Nguyễn Thị Bách Diệp, trước đây là chuyên viên Văn phòng Huyện uỷ Kim Thành, nay là chuyên viên Văn phòng Đảng uỷ xã Phú Thái cho biết dù là trước đây đều làm công tác Văn phòng Đảng ủy nhưng yêu cầu công việc, chức năng, nhiệm vụ của cấp xã hiện nay khác nhiều so với huyện cũ, xã cũ. Chúng tôi phải học hỏi lẫn nhau, cùng đoàn kết, hợp sức để đáp ứng yêu cầu của công việc ở xã mới.
Từ ngày bỏ cấp huyện, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của huyện, thị xã, thành phố cũ vẫn nỗ lực cống hiến trên vai trò là cán bộ cấp xã mới. Qua đó, tạo hình ảnh những cán bộ cấp xã thân thiện, năng động, gần dân, hiểu dân và ngày càng chuyên nghiệp.
PHONG TUYẾT