Hai loại kem chống nắng Vitamin C và Sun Cream vừa bị phát hiện là hàng giả do có chỉ số SPF đạt mức dưới 70% so với công bố ghi trên bao bì.
![]() | ![]() |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng ngày 17/7 cho biết vừa ký ban hành thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 2 loại kem chống nắng giả.
Loại thứ nhất là kem chống nắng Vitamin C, số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm: 242/24/CBMP-PT ngày cấp 5/9/2024; cơ sở chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH SX và TM Athena Việt Nam (Phú Thọ).
Loại thứ 2 là kem chống nắng Sun Cream, số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm: 39/22/CBMP-PT, ngày cấp 9/9/2022; cơ sở chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis (Quảng Ninh).
Trên bao bì, chỉ số chống nắng của hai sản phẩm này đều ghi SPF50+. Tuy nhiên, "thực tế mẫu sản phẩm mỹ phẩm được giám định tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an có chỉ số SPF (chỉ số chống nắng) dưới 70% so với công bố ghi trên bao bì", ông Hùng cho biết. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ kết luận đây là hàng giả.
Trước đó, ngày 3/7, Công an tỉnh Phủ Thọ cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, tạm giam Đường Văn Thiết, 44 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Athena Việt Nam, để điều tra tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Từ năm 2019, thấy thị trường có nhu cầu lớn về kem chống nắng, Thiết đã thành lập doanh nghiệp, đầu tư xây dựng nhà xưởng. Đối tượng cho đặt in trên bao bì kem chống nắng thể hiện chỉ tiêu SPF 50+, chống được 98% tia UVB. Giá bán từ 63.000 đến 79.000 đồng một tuýp.
Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định, chỉ số SPF của mẫu kem chỉ đạt từ 4,2% đến 26,6% so với chỉ số ghi trên bao bì sản phẩm. Bước đầu Công an đã thu 4.989 sản phẩm kem chống nắng nhãn hiệu Althena.
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương thông báo và tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm và tuyên truyền cho người dân trên địa bàn để không mua/bán, sử dụng các sản phẩm trên, trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm và báo cáo cơ quan chức năng nếu phát hiện các sản phẩm này.
Các Sở Y tế cũng nhận yêu cầu chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên địa bàn; thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
VN (theo Vietnamnet)