Góc nhìn

Bão WIPHA và trách nhiệm của chính quyền địa phương mới

TIẾN MẠNH 20/07/2025 06:36

Chính quyền địa phương 2 cấp ở TP Hải Phòng đang tập trung ứng phó bão số 3 (bão WIPHA) sau thời gian thành lập chưa lâu.

nuoi-ca-long.jpg
Lãnh đạo UBND xã Thái Tân, TP Hải Phòng kiểm tra, đôn đốc các hộ nuôi cá lồng trên sông chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn sản xuất trong trường hợp bão WIPHA đổ bộ vào đất liền. Ảnh: N.H

Chiều 19/7, dù bão số 3 vẫn đang trên Biển Đông, hoàn lưu bão chưa tác động đến đất liền nhưng một trận mưa giông kèm theo cuồng phong đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có TP Hải Phòng. Sức gió trên đất liền cấp 5, giật cấp 6 - 7 khiến cây cối nhiều nơi đổ gẫy, nghiêng ngả, nhiều mảng tôn lợp mái nhà, hàng quán của người dân bị dông lốc cuốn bay lả tả. Ghi nhận ở đường từ phường Việt Hòa - xã Tuệ tĩnh ở Tây Hải Phòng, nhiều cây cối đã đổ rạp chắn ngang đường không khác mấy so với cảnh tượng sau bão số 3 năm ngoái...

Đến tối cùng ngày, ở Hải Phòng chưa ghi nhận trường hợp công dân nào tử vong do trận mưa giông trên. Nhưng ở Quảng Ninh, một vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long đã khiến hàng chục hành khách và thuyền viên tử nạn, trong đó có không ít trẻ em khiến cả nước bàng hoàng, xót thương. Cả đêm qua Quảng Ninh không ngủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đã đến hiện trường vụ lật tàu chỉ đạo công tác cứu nạn.

Theo thông tin mới nhất sáng 20/7 từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 giật cấp 14, hướng vào đất liền từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tâm bão số 3 đang trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 830km về phía đông.

Chỉ vài chục tiếng nữa, bão số WIPHA được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta.

Nhiều chuyên gia cho rằng hướng di chuyển, cường độ của bão WIPHA hiện tại tương đối giống với bão số 3 (bão YAGI) từng xảy ra hồi tháng 9/2024, gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng. Đây thực sự là một thông tin rất đáng lo ngại.

Ai cũng hy vọng bão WIPHA sẽ tan trên biển hoặc giảm cường độ khi tiến vào đất liền để hạn chế tối đa những thiệt hại.

bao-so-3_2(1).gif
Đường di chuyển của bão WIPHA tương đối giống bão YAGI

Nhưng chúng ta phải chủ động ứng phó với mọi diễn biến của bão WIPHA. Sự chủ quan và chần chừ lúc này có thể sẽ kéo theo những hệ quả rất lớn.

Chiều 19/7, Hải Phòng đã kích hoạt ứng phó với bão số 3, các địa phương vào cuộc khẩn trương. Thành ủy, UBND thành phố đều có những chỉ đạo quyết liệt. Chính quyền cấp xã ở nhiều nơi đã dừng mọi cuộc họp chưa cần thiết, thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, chỉ đạo triển khai các hoạt động khắc phục những hậu quả do trận mưa dông xảy ra chiều cùng ngày và ứng phó với bão số 3.

Mặc dù chính quyền 2 cấp mới thành lập chưa lâu, công việc còn bộn bề, nhưng việc tạm dừng các cuộc họp chưa cần thiết để triển khai ứng phó với mưa, bão, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân là hoàn toàn đúng đắn.

Từ ngày 1/7, cả nước dừng hoạt động cấp huyện để thành lập chính quyền địa phương hai cấp (cấp xã và cấp tỉnh). Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 và các nghị định hướng dẫn phân quyền, phân cấp quản lý cho các địa phương. Đối với phòng chống thiên tai, nhiệm vụ của cấp tỉnh giữ nguyên, nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển giao về cho cấp xã.

Theo quy định mới, chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ trong công tác phòng chống thiên tai và quản lý đê điều của cấp huyện. Việc phân quyền cho cấp xã không chỉ giúp rút ngắn thời gian phản ứng trước thiên tai mà còn phát huy vai trò chủ động của cộng đồng trong ứng phó và phục hồi trước những thiệt hại do thiên tai gây ra.

bao-wipha.jpg
Một mái tôn bị "nhấc bổng" xuống lòng đường sau trận mưa dông với cường độ gió giật mạnh xuất hiện tại Hải Phòng chiều 19/7. Ảnh: FB

Tuy nhiên, do chính quyền mới vừa đi vào hoạt động, bão WIPHA lại hình thành và di chuyển nhanh nên công tác rà soát, triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai tại một số nơi có thể chưa bài bản.

Tại nhiều địa phương, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, bộ phận chuyên môn là người từ nơi khác chuyển về nên việc nắm tình hình hạ tầng, các trọng điểm phòng chống thiên tai, các khu vực dân cư cần bảo vệ trong mùa mưa bão... có thể chưa sát.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do bão, trước mắt, hệ thống chính trị ở các xã mới cần khẩn trương vào cuộc triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Rà soát, triển khai các phương án ứng phó với cơn bão và mưa, lũ có thể xảy ra sau đó phù hợp với tình hình thực tế. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, nhân lực, vật tư và huy động nhân dân tham gia chống bão có hiệu quả.

Cần liên tục cập nhật, truyền tải và thông báo kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về đường đi của bão số 3 tới các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền hướng dẫn, trang bị kỹ năng ứng phó, sơ tán cho người dân, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương, bà con sống ở nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập úng, vùng ven biển, hải đảo. Công khai số điện thoại của đại diện chính quyền địa phương để nhân dân liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, cần sự hỗ trợ...

Chính quyền địa phương cấp xã giữ liên lạc chặt chẽ, xuyên suốt với cấp trên để báo cáo, nhận nhiệm vụ, triển khai các phương án ứng phó với bão. Các cơ quan của thành phố cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp tới những địa bàn trọng điểm phòng chống thiên tai hỗ trợ chuyên môn cho chính quyền cấp xã ứng phó với bão WIPHA.

Chính quyền mới, nhiệm vụ cấp bách, đây là lúc thử thách năng lực điều hành, ứng phó và gần dân của các địa phương.

TIẾN MẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão WIPHA và trách nhiệm của chính quyền địa phương mới