Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai đã trò chuyện với phóng viên Hải Phòng cuối tuần về định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Đông sau hợp nhất Hải Dương - Hải Phòng.
- Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hải Phòng mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương trước đây. Xin đồng chí cho biết, thành phố mới sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa như thế nào?
- Sau 138 năm chia tách kể từ ngày 11/9/1887, tỉnh Hải Phòng (trước kia) được thành lập trên một phần đất của tỉnh Hải Dương, việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành thành phố Hải Phòng mới về mặt lịch sử, chính là sự trở lại cội nguồn, cùng chung gốc xứ Đông xưa của người Hải Phòng và người Hải Dương, nhưng với một vị thế mới của một thành phố lớn thứ ba cả nước - thành phố Cảng, công nghiệp, văn minh, hiện đại, đang tràn đầy khát vọng phát triển trở thành thành phố tiêu biểu ở Đông Nam Á và thế giới.
Do cùng chung nguồn cội, bên cạnh những giá trị chung của văn hóa Việt Nam, thành phố Hải Phòng mới là miền đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nơi đây là địa bàn tụ cư, sinh sống của người nguyên thủy thời tiền sử từ thời đá cũ đến sơ kỳ đồ đồng, của người Việt từ thời kỳ các Vua Hùng dựng nước cho đến ngày nay, góp phần quan trọng tạo dựng nên nền văn minh sông Hồng của người Việt. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, hun đúc nên bản sắc văn hóa, khí chất con người nơi đây giàu lòng yêu nước, thương nòi, đoàn kết, có tinh thần cố kết cộng đồng trong đánh giặc ngoại xâm. Người dân nơi đây cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, dân chủ, nhân văn, uống nước, nhớ nguồn trong phong cách và lối sống, phong tục, tập quán. Suốt chiều dài lịch sử, miền đất này sản sinh và nuôi dưỡng nên nhiều hiền tài- nguyên khí quốc gia với 486 vị đậu tiến sĩ của Hải Dương và 103 vị đậu tiến sĩ của Hải Phòng thời phong kiến- dẫn đầu cả nước, với 15 trạng nguyên làm rạng danh vùng đất địa linh, nhân kiệt; với các danh nhân văn hóa lớn như: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 1 trong 10 vị tướng lừng danh của lịch sử thế giới; Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, Chu Văn An, người thầy của muôn đời, danh nhân văn hóa thế giới; Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà hiền triết, nhà thơ, bậc sư biểu, đỉnh cao trí tuệ Việt Nam thế kỷ thứ 16…; hình thành nên truyền thống hiếu học, vùng đất văn hiến của quốc gia.
Cùng với những nét tương đồng, tiểu vùng văn hóa Hải Phòng cũ mang đậm tính hướng biển. Là cửa ngõ ra biển của miền Bắc, trong tiến trình lịch sử, nhất là từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay, vùng đất giàu bản sắc văn hóa Việt Nam này luôn mở cửa, giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm nên bản sắc văn hóa của cư dân miền biển, đi đầu “Trung dũng- Quyết thắng” trong chiến đấu; năng động, sáng tạo trong dựng xây; phóng khoáng, hào sảng, trọng nghĩa trong giao tiếp, tràn đầy khát vọng chinh phục biển khơi.
Kho tàng di sản văn hóa này là niềm tự hào của chúng ta, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, “biến” di sản trở thành nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
- Sau hợp nhất cấp tỉnh và bỏ chính quyền cấp huyện dẫn đến nhiều địa danh không còn xuất hiện trên bản đồ hành chính. Liệu rằng những giá trị văn hóa ở những địa danh ấy có bị mai một?
- Việc hợp nhất hai địa phương tạo nên diện mạo mới, vừa thống nhất bản sắc văn hóa xứ Đông xưa, vừa có đa dạng các sắc thái văn hóa riêng. Trải qua nhiều cuộc thay đổi địa giới hành chính trong lịch sử, văn hóa làng, xã vẫn chứng minh được sức sống mạnh mẽ. Chúng ta giữ được đất nước qua những cuộc đấu tranh chống quân xâm lược suốt hàng nghìn năm, là nhờ giữ được văn hóa làng. Vì vậy, giữ được văn hóa làng là chìa khóa để bảo tồn văn hóa của toàn quốc gia nói chung, văn hóa thành phố Hải Phòng mới nói riêng. Sau hợp nhất cấp tỉnh, cùng với đó là bỏ chính quyền cấp huyện, nếu văn hóa không được quan tâm một cách sát sao, thấu đáo, rất dễ mai một. Nhằm vừa phát huy được tối ưu hiệu năng quản lý sau khi tinh gọn, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa tồn tại lâu bền của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu thành phố lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời tăng cường hướng dẫn 114 xã, phường, đặc khu triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa địa phương, tạo nên bức tranh sinh động, giàu bản sắc của văn hóa xứ Đông.
Một số mục tiêu nổi bật đề ra, như: Phấn đấu đến năm 2030 thành phố có thêm từ 5 - 7 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; có thêm từ 25 - 30 di tích xếp hạng cấp thành phố; xây dựng 2 hiện vật, nhóm hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia; 2 - 3 hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh; mỗi năm, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thực hiện khoảng 500 chương trình biểu diễn, xây dựng khoảng 20 chương trình, vở diễn; 85% - 90% số thôn, làng, tổ dân phố được công nhận là thôn, làng tổ dân phố văn hóa; 96% - 98% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về đời sống văn hóa đạt 90%... Tới đây, Sở tham mưu thành phố phối hợp chặt chẽ với 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang trình UNESCO xét công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
- Bước vào năm thứ 9 thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Sau hợp nhất, ngành Văn hóa Hải Phòng có những dự định nào để di sản trở thành nguồn lực phát triển, thưa đồng chí?
- Ngay sau hợp nhất, thành phố Hải Phòng mới có những bước đi mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Chúng ta có những sản phẩm văn hóa đầu tay, như: Tour đêm “Dấu thiêng Hàng Kênh”, đưa công nghệ số làm “sống lại” di sản đình Hàng Kênh và các loại hình nghệ thuật truyền thống cửa đình; vở nhạc kịch “Bến mơ- Ước hẹn Kim Giao”, “kể” về huyền thoại đảo Ngọc Cát Bà bằng nhạc kịch Broadway hiện đại hay vở múa rối “Bầy chim Thiên Nga” với một trong những câu chuyện cổ tích hay nhất thế giới được tái hiện bằng nghệ thuật truyền thống… Ngoài ra là các cuộc thi tay nghề nghệ nhân, thợ giỏi, thi thuyết minh viên di sản cũng được tổ chức nhằm đánh thức di sản văn hóa trở thành nguồn lực để phục vụ phát triển. Tin tưởng rằng, với bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa và sự năng động, sáng tạo, thành phố Hải Phòng mới của chúng ta sẽ kiến tạo một nền tảng tinh thần vững chắc, một nguồn lực kinh tế bền vững phục vụ phát triển trong tương lai không xa.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí
Sau hợp nhất, thành phố Hải Phòng mới hiện bảo tồn và phát huy kho tàng di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đồ sộ, đa dạng và phong phú với hàng nghìn di tích, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 9 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 260 di tích quốc gia; 33 bảo vật quốc gia cùng hàng trăm lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa đặc sắc; các làng nghề truyền thống; các di cảo của các bậc tiền nhân Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm…