Đánh giá cán bộ bằng KPI là một trong những đột phá xương sống của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ như ‘khoán 10’ trong các cơ quan, đơn vị.
Quốc hội vừa thông qua Luật Cán bộ, công chức năm 2025 với một điểm mới đáng chú ý là nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI). Kết quả đánh giá sẽ được sử dụng để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy.
Mặc dù theo lộ trình, quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026 nhưng đã có 1 cơ quan ở Trung ương áp dụng ngay. Đó là Ban Chính sách, chiến lược Trung ương. Ban này đã công bố Quy định về khung tiêu chí đánh giá hiệu suất công tác cá nhân và đơn vị tại ban áp dụng ngay từ tháng 7.
Nhiều ý kiến đánh giá cán bộ bằng KPI là một trong những đột phá xương sống của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dư luận thậm chí kỳ vọng việc đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI) như “khoán 10” trong các cơ quan, đơn vị.
Thực tế lâu nay nói đến cán bộ, công chức, viên chức nhiều người thường nghĩ đến câu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu suất thấp, thậm chí trong giờ làm việc vẫn tranh thủ làm việc riêng, lướt mạng xã hội, làm nghề tay trái…
Cuối mỗi năm, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên đều thực hiện kiểm điểm theo các nội dung như: chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao… và tự nhận mức xếp loại. Sau đó, phòng chuyên môn tiến hành họp bình xét, trước khi tập thể lãnh đạo cơ quan hoặc cấp ủy đánh giá, xếp loại cuối cùng. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá hiện nay vẫn còn mang tính chung chung, thậm chí có những nội dung được thể hiện theo cách mà ai cũng “tốt cả”.
Với những cơ quan có đánh giá xếp loại hằng tháng, có định mức công việc rõ ràng thì cuối năm chỉ việc đối chiếu theo khung tiêu chuẩn để xếp loại. Hay những cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc, giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp thì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, khối lượng hồ sơ, tốc độ giải quyết của mỗi cán bộ ở mỗi khâu cũng là một thang điểm để đánh giá.
Nhưng có cơ quan thì không đánh giá hằng tháng, công việc mang tính phong trào nên ít có sáng kiến cải tiến, định lượng công việc cũng không quá rõ ràng nên khó đánh giá một cách chuẩn xác.
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” mới đây, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã dẫn một số liệu rất đáng suy ngẫm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore và bằng 3/4 so với Trung Quốc. Có lẽ, đây mới chỉ là con số đánh giá mặt bằng chung, còn thực tế ở nhiều khu vực nhà nước năng suất lao động của không ít bộ phận còn thấp hơn.
Trước đây đã có quy định cán bộ, công chức, viên chức 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ việc. Nhưng thực tế ở nhiều cơ quan do không có thang điểm, khung tiêu chí đánh giá rõ ràng nên ít có trường hợp nào bị cho nghỉ việc. Hơn nữa, việc không đánh giá định kỳ, thường xuyên mà chỉ cuối năm mới đánh giá một lần dễ dẫn tới bỏ sót cả công lẫn tội. Việc không có bộ KPI chuẩn cũng dễ dẫn tới những đánh giá mang tính cảm tính, người khéo nịnh nọt, quan hệ tốt có thể sẽ được lợi hơn…
Đợt hợp nhất một số sở, ngành, sáp nhập tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vừa qua là dịp rà soát, sàng lọc lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Trong quá trình xem xét bổ nhiệm, bố trí lại hoặc cho nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP, các cơ quan đã xây dựng thang điểm với các tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ. Đây có thể xem là một hệ thống KPI nền tảng, nếu được cải tiến, hoàn thiện sẽ trở thành công cụ đánh giá cán bộ thường xuyên, thực chất hơn.
Cái thời “không làm mà cũng có phần”, “đánh kẻng ghi tên” đã qua. Những người thiếu năng lực, không chịu thay đổi chắc chắn sẽ bị đào thải khỏi “cuộc chơi”. Đã đến lúc để KPI lên tiếng.
KIM THANH